Nhiều năm trước, những ngày còn lang thang trên mạng đi tìm định hướng cho sự nghiệp, những bài báo của thầy dưới cái nick dạ trạch đã ảnh hưởng không ít đến thằng nhóc nhà quê thuở ấy. Vào đại học, tình cờ bắt gặp thầy trên giảng đường môn cơ học, bị vạch mặt, thầy nhăn nhở tìm cách chối, một kỉ niệm đáng yêu thời ĐH.

Hôm nay lại bắt gặp thầy trên blog Vật lý Việt nam, ở cái thời điểm mà đáng lẽ đã tốt nghiệp ĐH, mình cũng hiểu hơn những gì thầy viết, cũng không thấy cần thiết phải đọc lại bài dịch”Chúa có chơi trò xúc xắc?” của thầy. Muốn phản biện những gì thầy viết, nhưng lại không dám gửi email(ngại tài hèn sức yếu, chưa làm nên công trạng gì), cũng vì khai trương cái blog mới, mong sao giảm thì giờ với cái facebook, tránh giao tiếp với xã hội càng nhiều càng tốt. Bài viết “Số phận của vũ trụ” tại đây

Thầy băn khoăn nếu thế giới này không được tạo ra là để cho chúng ta, chúng ta không là trung tâm như Copernicus và những thế hệ kế tiếp đã chứng tỏ thì “Vũ trụ được tạo ra như vậy là để có chúng ta” hay không. Con người làm khoa học qua nhiều ngàn năm cũng chỉ để trả lời những câu hỏi như vậy, xoay quanh cái tôi của họ, lý giải những điều xung quanh họ. Con người vẫn chưa thoát khỏi cái hệ quy chiếu với con người là trung tâm, điều đó khiến cái nhìn vào khoa học của con người bị hạn chế nhiều mặt. Đây cũng là mặt trái của tính xã hội, dù rằng tính xã hội là nhân tố tiên quyết để tri thức tăng lượng qua thế hệ, nó cũng thể hiện cái xấu ở chỗ người ta có xu hướng không coi lại những cái được cho là đúng trứơc đó. Điều này dẫn đến một lo ngại rằng nếu cái móng không chắc thì một ngày nào đó, cái nhà sẽ đổ sụp.